1. Theo dõi các tin tức bằng tiếng Anh
Trời sáng rồi, dậy và quang hợp thôi! Nhiều người có thói quen vừa mở mắt dậy là phải tìm cập nhật ngay tin tức mới nhất trong ngày. Chúng ta cũng có thể làm tương tự như vậy đấy!
Tin tức thì có khắp nơi từ truyền hình đến trên báo giấy. Thời buổi hiện đại này, chúng ta còn có thể cập nhật tin tức trực tuyến nữa cơ. Những trang tin tức như BBC hay The New York Times là các điểm đến hàng đầu cho công cuộc học tiếng Anh. Thuận tiện nhất là, chỉ cần sử dụng máy tính hoặc điện thoại là bạn đã có thể đọc tin tức miễn phí rồi. Dĩ nhiên, ban đầu sẽ còn hơi bỡ ngỡ bởi số lượng từ mới quá nhiều. Ngôn ngữ báo chí đôi khi cũng khiến bạn cảm thấy khó nuốt. Nhưng không sao đâu, chỉ cần luyện tập hằng ngày thôi. Từ từ rồi bạn sẽ cảm thấy bản thân đang dần quen với các kiểu tin tức này.
Bên cạnh đó, bạn còn có sự lựa chọn khác ngoài việc dán mắt vào các hàng chữ chi chít. Nhiều báo đài còn đưa tin dưới dạng video để khán giả dễ theo dõi. Bạn có thể vào kênh Youtube của PBS NewsHour. Kênh tin tức của Mỹ này rất chịu khó cập nhật mỗi ngày đấy!
Đừng vội nản nếu bạn nghe mãi vẫn không hiểu được nội dung. Hãy thử dành ra 5, 10 phút đọc bản tin ấy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ xem. Điều này sẽ giúp bạn nắm được ý chính của nguồn tin và bạn sẽ dự đoán được trước những từ vựng tiếng Anh sẽ xuất hiện. Sau đó, bạn có thể chuyển sang tiếng Anh và xem lại bản tin đó. Thao tác này sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian ngồi lật từ điển liên tục trong lúc xem tin tức đấy!
2. Nghe đài trong lúc di chuyển
Dành ra vài phút một ngày để nói tiếng Anh nghe có vẻ khó khi thời gian biểu của chúng ta luôn kín bưng. Tuy nhiên, chúng ta có thể tận dụng khoảng thời gian chúng ta dành ra để di chuyển đấy. Chống chỉ định cho những bạn tự lái xe nghen! Các bạn đi xe buýt hoặc tàu điện có thể tận dụng khoảng thời gian này để luyện kỹ năng nghe đấy!
Nghe đài là cách đơn giản để kết nối với thế giới ngôn ngữ. Rất nhiều nơi đã sử dụng phương pháp này để đưa tin tức cũng như các cuộc nói chuyện.
Nhiều nhà sản xuất tư nhân cũng cung cấp vô vàn chủ đề để chúng ta có thể nghe. Bất kỳ lĩnh vực nào bạn quan tâm, họ đều cố gắng đáp ứng. Từ lịch sử, giải trí đến văn học, nhất định bạn sẽ tìm được một đài nào mình muốn nghe. Trong lúc nghe, đôi khi bạn không chú ý tới nội dung, điều đó rất bình thường. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần nghe liên tục như vậy, khả năng ngôn ngữ của bạn cũng đã bị tác động. Qua đó, có sự cải thiện rõ rệt!
3. Tận dụng chiếc điện thoại để học tiếng Anh
Có lẽ đây cách dễ nhất để học tiếng Anh. Bí quyết là hãy đổi ngôn ngữ giao diện trên điện thoại, máy tính và máy tính bảng. Qua đó, bạn sẽ dần làm quen với những từ vựng mới. Sau này khi gặp những từ tương tự, bạn sẽ không phải mất công dò từ điển nữa.
Bạn cũng có thể thay đổi ngôn ngữ của các trang web. Nhiều trang web cho phép người dùng thay đổi ngôn ngữ tùy chọn. Hãy chọn phiên bản tiếng Anh của Google để mỗi lần bạn tìm kiếm, các kết quả bằng tiếng Anh sẽ hiện ra.
Những thay đổi nhỏ này giúp bạn dần làm quen với ngôn ngữ. Bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực mỗi khi phải sử dụng tiếng Anh, mà ngược lại còn cảm thấy ngôn ngữ này đã quá quen thuộc với mình.
4. Tập thói quen viết bằng tiếng Anh.
Trường hợp bạn đang đi học một khóa Anh văn hay phải làm việc với người nước ngoài, có lẽ bạn phải viết tiếng Anh rất nhiều. Vậy làm thế nào để tập thói quen viết tiếng Anh đây?
Kỹ năng viết thường được xem nhẹ hơn kỹ năng nói dù đây là một kỹ năng khá quan trọng. Để thành thạo một ngôn ngữ, bạn đừng bỏ qua kỹ năng này nhé. Một cách để giúp bạn luyện viết tiếng Anh đó chính là viết thư. Hãy tìm một người bạn qua thư xem!
Lúc trước, người ta thường viết thư qua lại rồi ra bưu điện gửi đến khắp mọi nơi trên thế giới. Ngày nay thì chuyện thư tín có vẻ không còn phổ biến. Thế nhưng thư điện tử email lại là một khái niệm khác đấy. Rất nhiều diễn đàn trực tuyến cho phép người dùng liên hệ với nhau để kết bạn. Nhất là trên các diễn đàn học tập, tìm một người bạn cùng luyện tập với mình quả rất thú vị, phải không?
5. Nói tiếng Anh nhiều hơn
Hãy luôn tìm cơ hội để sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Đây cũng là một trong những thử thách khó nhằn dành cho các bạn học tiếng Anh.
Nếu bạn không có điều kiện để giao tiếp với người bản xứ, hãy thử những cách sau nhé:
- Mở video chat với một người bản xứ.
- Tham dự các nhóm học tiếng Anh ở địa phương.
- Nói chuyện công việc với đồng nghiệp bằng tiếng Anh.
- Trở thành tình nguyện viên dẫn khách nước ngoài đi tham quan.
Không phải ai cũng có nhiều cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh với người bản xứ. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tự luyện tập. Khi bạn nấu ăn, hãy thử tưởng tượng bạn đang hướng dẫn người khác nấu. Sử dụng tiếng Anh để diễn tả từng bước chuẩn bị nguyên liệu. Hoặc bạn có thể tự nghĩ ra một cuộc hội thoại rồi tự trò chuyện với chính mình khi đang trong buồng tắm chẳng hạn. Nếu có điều kiện, hãy tự ghi âm lại những gì bạn nói. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện cách phát âm rất nhiều.
6. Đọc một cuốn sách hay
Bạn đã sẵn sàng cho thử thách tuyệt vời này? Không có gì tuyệt vời hơn là đắm mình trong một cuốn sách thật hay. Từ các tác phẩm đi vào huyền thoại văn học của Shakespeare đến những cuốn tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng. Thế giới của sách là không có giới hạn. Bạn có thể tìm đọc bất kỳ chủ đề nào bạn muốn.
Thông thường các cuốn sách đều dẫn ta vào một câu chuyệt. Rất nhiều người học tiếng Anh cảm thấy có động lực hơn khi học qua sách. Dĩ nhiên, lần đầu đọc một cuốn sách hoàn toàn bằng tiếng Anh quả không đơn giản chút nào. Bạn hãy tham khảo các gợi ý sau nhé:
- Bắt đầu với những cuốn sách đơn giản: Tiểu thuyết dành cho giới trẻ thường được ưa chuộng bởi văn phong đơn giản. Độ dày của những cuốn sách thể loại này cũng tạm chấp nhận được cho những người mới học tiếng Anh. Harry Potter của JK Rowling hoặc Twilight của Stephanie Meyer là những lựa chọn phổ biến nhất đấy.
- Đọc sách song ngữ: Nhiều nhà xuất bản in dạng sách song ngữ, tức là có cả 2 ngôn ngữ trong 1 cuốn sách. Một bên sẽ là ngôn ngữ mẹ đẻ, ví dụ như tiếng Việt. Bên còn lại sẽ là tiếng Anh. Người đọc sẽ đỡ phải lật từ điển liên tục làm ngắt quãng câu chuyện.
- Đọc cuốn sách mà bạn đã từng đọc qua: Thay vì bắt đầu bằng một câu chuyện mới hoàn toàn, hãy thử đọc một câu chuyện bạn đã từng đọc qua bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Do bạn đã quen với cốt truyện, bạn sẽ không cảm thấy nản khi phải đọc bằng tiếng Anh. Bạn có thể đọc các câu chuyện dân gian Việt Nam bằng tiếng Anh xem sao. Sẽ rất thú vị đấy!
7. Chơi game bằng tiếng Anh trong thời gian rảnh
Có được vài phút nghỉ ngơi sau giờ làm hoặc sau giờ học? Tải ngay vài game học tiếng Anh trên điện thoại mà chơi thôi!
Đây cũng là động lực lớn nhất để bạn làm quen với tiếng Anh nè! Còn gì thú vị hơn khi được học bằng cách chơi game, phải không? Hãy thử các game từ vựng xem sao. Trên điện thoại không thiếu gì những trò thú vị bằng tiếng Anh đâu nhé!
8. Dán mắt vào màn hình xem video
Sau khi trải qua một ngày dài làm việc học tập vất vả, chỉ cần nhìn thấy cuốn sách anh văn dày cộp thôi là nản rồi! Thôi thì chúng ta chuyển sang xem các chương trình TV bằng tiếng Anh nhé! Hãy mở phụ đề trong lúc xem nếu bạn lo rằng sẽ không hiểu nội dung chương trình.
Nếu bạn vẫn cảm thấy ngồi coi cả một chương trình hơi nhàm chán và mỏi mệt, hãy xem những video ngắn thôi. Bạn có thể sử dụng ứng dụng Woodpecker để tìm kiếm những video này. Thường thì đây là các video trực tuyến thu hút rất nhiều người xem và ứng dụng này cho phép hiển thị phụ đề tùy chọn.
Cần gợi ý vài video để xem? Hãy vào thử BuzzFeed videos nhé. Những video này cực kỳ phổ biến trên mạng luôn và sẽ giúp bạn làm quen với tiếng lóng trong tiếng Anh đó!
Bạn đã sẵn sàng để nói tiếng Anh hằng ngày chưa?
Quan trọng nhất là chọn ra một cách học tiếng Anh khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất. Đừng quá gò ép bản thân phải học như thế này thế nọ. Bạn cứ bình tĩnh theo đuổi một mảng nào đó của tiếng Anh mà bạn thực sự yêu thích. Nếu bạn thích xem phim, tìm các sitcom để xem. Nếu bạn thích thể thao, xem các bình luận viên nói chuyện. Hoặc nếu bạn thích nấu nướng, xắn tay vào bếp ngay với một thực đơn mới lạ. Hãy chọn lựa cách nào phù hợp nhất với bản thân nhé!