Để có thể thông thạo Tiếng Anh đòi hỏi rất nhiều công sức. Thẳng thắn mà nói thì, hầu hết các học viên đều chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Nếu bạn đang cảm thấy quá tải vì áp lực học hành, hãy bình tĩnh xem qua những lỗi phổ biến sau nhé. Các học viên rất thường uổng phí thời gian học do các lỗi này đấy. Để đến được đích có rất nhiều con đường. Hãy chọn cho bản thân một con đường hiệu quả nhất nhé!
1. Bạn có đang ép buộc bản thân phải học?
Điều đầu tiên, đừng xem việc học tiếng Anh như nghĩa vụ. Học tiếng Anh không phải một cơn ác mộng nhé! Học tiếng Anh là một trải nghiệm đầy thú vị. Bạn có thể biến việc học tập thành một dạng thử thách để làm động lực giúp cho não bộ hoạt động có hiệu quả hơn. Như vậy sẽ đỡ hơn là ngồi chôn chân một chỗ nhìn nhằm nhằm vào đống ngữ pháp dày đặc, các cách chia động từ rắc rối và cầu nguyện mình sẽ sớm hiểu được nó cũng như nó sẽ có nghĩa vụ phải cho mình hiểu nó, phải không?
Đam mê của bạn là gì? Hãy đưa vào lịch trình mỗi ngày để luyện tiếng Anh nhé! Đừng đặt nặng vấn đề là phải nói chuẩn như người bản xứ. Bạn sẽ cảm thấy dễ chán nản hơn đó. Thay vào đó, hãy tập trung hơn vào vấn đề là làm sao để bạn có thể nói chuyện một các thoải mái hơn. Gạt bỏ bớt các áp lực không đâu để học hiệu quả hơn nhé!
2. Bạn có quá phụ thuộc vào sách giáo khoa khi nói tiếng Anh?
Tới đây có lẽ bạn đã sẵn sàng học tiếng Anh một các thoải mái hơn rồi! Vì thế hãy tạm gác qua những cuốn sách giáo khoa dày cộp kia đi nào. Đừng vứt bỏ những cuốn sách tội nghiệp ấy nhé! Mục tiêu hiện tại của chúng ta không phải là luyện ngữ pháp cho giỏi nên tạm thời, chúng ta hãy tập trung vào mảng nói tiếng Anh trong đời sống nhiều hơn nha.
Có một sự thật là nhiều bạn học viên nhận thấy việc học tiếng Anh trong phòng học với thứ tiếng Anh mà người bản xứ hay nói ngoài đời thật, đôi khi hơi khác biệt. Mỗi người bản xứ lại có một cách nói chuyện cũng như dùng từ khác nhau. Không những thế, sự góp mặt của tiếng lóng và các kiểu giọng lại khiến mọi thứ trở nên rối tung!
Vì thế, sao bạn không thử bắt đầu lại từ đầu bằng cách xem những cuốn sách, các bộ phim, những bài hát, và các cuốn tạp chí mà người bản xứ yêu thích? Có thể bạn không biết nhưng khi bạn dành thời gian cho những thú vui này, bạn sẽ tự nắm được các quy tắc ngôn ngữ đấy! Dần dần bạn sẽ quen với các mẫu câu và theo phản xạ tự nhiên, bạn còn có thể ngẫu hứng dẫn dắt câu chuyện mà không còn bị bó buộc trong các quy tắc nhàm chán học mãi không xong nữa đó!
Tạm gác bỏ các cuốn sách qua một bên thôi nhé chứ đừng vứt bỏ toàn bộ. Sau này khi nhìn lại bạn sẽ rất ngạc nhiên trước sự tiến bộ của bản thân đấy!
3. Bạn chưa bao giờ nói tiếng Anh “thành lời”?
Không ít các bạn học viên thường tự hỏi làm thế nào để nói tiếng Anh tốt hơn đây? Thế nhưng số lượng các bạn thực sự nói tiếng Anh thành lời vẫn còn khá ít ỏi. Từ đọc báo tới luyện các bộ phim, toàn những cách hay để học tiếng Anh. Tuy nhiên, quan trọng nhất là: Các bạn phải bật ra thành lời nói.
Bạn có đang dành toàn bộ thời gian chỉ để… nghe người khác nói? Bạn vẫn đang ở trong vùng an toàn của bản thân thôi và như thế không giúp bạn cải thiện kỹ năng của bản thân đâu. Hãy vượt lên nỗi sợ hãi và nói tiếng Anh thành lời thực sự xem nào. Kết bạn trực tuyến hoặc đi vào trung tâm thành phố tự tạo cơ hội xê dịch cho bản thân nhé! Hoặc chí ít thì bạn cũng có thể tự luyện nói tiếng Anh một mình. Nghe ngớ ngẩn thế nào ấy phải không? Nhưng mà, không con đường nào đến thành công mà thiếu đi sự góp mặt của chông gai đâu! Vì thế hãy cố gắng làm mọi cách để thực sự tiến bộ hơn nhé!
4. Bạn chần chừ vì sợ bị trêu chọc?
Bạn đang sợ sẽ tự biến mình thành trò cười cho người khác? Nhiều học viên cũng mang tư tưởng ấy. Họ rất ngại bước chân tới trình độ cao hơn bởi họ luôn thường trực nỗi sợ bị người ngoài đánh giá. Chỉ có duy nhất một cách để vượt qua được điều này và lựa chọn duy nhất của bạn đó chính là hãy bình tĩnh đối diện với nỗi sợ ấy. Việc mình, mình lo thôi! Đừng quá để tâm đến những gì người khác bàn tán về mình.
Để hiệu quả hơn, hãy chủ động nhờ người khác sửa lỗi sai cho mình. Dĩ nhiên, ban đầu bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi bị chỉ ra lỗi sai. Không sao cả, trên đời chẳng ai hoàn hảo đâu. Hãy để người khác chỉ ra và giúp bạn sửa lỗi sai ấy. Bạn sẽ nhớ và không phạm phải nữa!
5. Bạn ít khi học từ vựng mới?
Bạn biết không, trong cuốn từ điển Oxford có đến 171,476 từ tiếng Anh đang được sử dụng đấy! Trung bình, một người nói tiếng Anh sẽ có khoảng vốn từ vựng ở mức 20,000 từ. Vì thế bạn đừng quá lo lắng phải biết hơn cả trăm ngàn từ vựng nhé! Tuy vậy, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó mà không mở rộng thêm vốn từ, dần dà khi nói sẽ xuất hiện cảm giác chán và nghe rất không tự nhiên.
Việc học từ vựng có lẽ là một trong những cách đơn giản nhất để cải thiện khả năng nói tiếng Anh. Hơn thế nữa, việc này chẳng khó chút nào. Chỉ cần cầm một cuốn sách hoặc coi một vài video trên mạng, tự khắc bạn sẽ gặp ngay những từ vựng mới mình chưa từng nghe qua bao giờ.
Dĩ nhiên, cũng cần phải cố gắng để ghi nhớ được những từ vựng mới nhé. Ứng dụng Woodpecker sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc ghi nhớ từ, đặc biệt là những từ khó. Hãy tải ngay ứng dụng về máy nhé. Ứng dụng cho phép bạn xem hơn 160,000 video kèm phụ đề và còn giúp bạn lưu lại các từ vựng mới để bạn có thể xem lại. Thật tiện dụng, phải không?
6. Bạn chưa sử dụng tiếng Anh mỗi ngày?
Hàng triệu người học ngôn ngữ đều phải thừa nhận tính thiết thực của việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày. Đơn giản là, nếu bạn bị đưa vào một môi trường toàn những người nói thứ tiếng khác lạ mà bạn không hiểu, não bộ sẽ nhanh chóng hoạt động để giải mã những gì đang xảy ra quanh bạn.
Nhiều học viên chọn học các lớp tại những quốc gia nói tiếng Anh như một cách ép buộc bản thân phải nói được ngôn ngữ đó. Nếu bạn có được cơ hội ấy thì quá tuyệt vời rồi! Tuy nhiên đó cũng không hẳn là con đường duy nhất cho bạn để cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh đâu nên đừng quá đặt nặng vấn đề nhé!
Thay vào đó, bạn có thể tạo cho bản thân một thói quen sử dụng tiếng Anh thường xuyên ngay tại nơi bạn đang sinh sống. Chắng hạn như tận dụng quãng thời gian di chuyển đến nơi làm việc hoặc đi học để tranh thủ nghe đài? Bạn không cần phải tập trung cao độ, dùng hết công suất chỉ để phân tích các câu dài và rắc rối. Chỉ cần nắm được ý chính và loại bỏ những thứ phụ sang một bên là được!
Phương pháp này vô cùng hữu dụng trong việc giúp bạn làm quen với tốc độ khi nói của một người bản xứ thông thường. Bằng việc sử dụng tiếng Anh hằng ngày, bạn sẽ dần hiểu được các quy tắc căn bản của ngôn ngữ và làm quen với các kiểu giọng cũng như những mẫu câu thông dụng.
7. Bạn cố gắng tăng tốc nhưng không hiệu quả?
Không có gì phải xấu hổ khi cứ giậm chân hoài ở trình độ vỡ lòng trên công cuộc học tiếng Anh cả. Ai cũng phải trải qua những quá trình tương tự vậy thôi.
Đừng gấp gáp mà nhảy bổ vào những kiến thức xa xôi trong tiếng Anh để rồi quên đi cái căn bản mới là cái nền thiết yếu. Có thể bạn đặt mục tiêu sau này sẽ trở thành một vị học giả kỳ cựu chuyên về mảng ngôn ngữ Anh nhưng ở thời điểm bắt đầu, không phải vì thế mà bạn cắm mặt vào đọc các tác phẩm của Shakespeare. Hấp tấp nhiều khi hỏng chuyện. Đôi lúc sẽ khiến bạn cảm thấy việc học trở nên nhàm chán và áp lực. Hãy bình tĩnh đi theo một lộ trình phù hợp với trình độ của bản thân.
Thành thực nhìn vào khả năng hiện tại và đi từng bước một vững chắc. Đầu tiên, hãy nắm chắc kỹ năng tiếng Anh giao tiếp. Sau đó, từ từ mở rộng vốn từ vừng và các cấu trúc ngữ pháp để củng cố lại kiến thức. Như thế sẽ đảm bảo hiệu quả cho công cuộc học tập của chính bản thân mình!
8. Bạn chỉ chăm chăm dịch sang tiếng Việt?
Khi mới bắt đầu học tiếng Anh, bạn thường có phản xạ liên hệ ngay những gì mình vừa học với những gì có trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Rất tiếc là, cách này sẽ không giúp ích cho bạn khi cứ chăm chăm dịch sang tiếng Việt hoài như vậy.
Cứ mỗi một ngôn ngữ lại có những điểm khác biệt, tiếng Anh cũng không phải ngoại lệ. Nhiều cụm từ, cách diễn đạt mà chúng ta vốn quen sử dụng ở tiếng Việt lại dường như không hề tồn tại trong tiếng Anh. Vì thế nếu bạn cứ chăm chăm dịch qua lại hai ngôn ngữ vốn khác biệt sẵn để tìm được cách dịch sát nghĩa nhất, thường bạn sẽ cảm thấy rất nản chí ngay thôi!
Học một ngôn ngữ mới để biết được một cấu trúc khác biệt gần như hoàn toàn với ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Hãy thử chú tâm đến cách ngôn ngữ được sử dụng trong tiếng Anh như thế nào thay vì cứ chực chờ dịch vội sang tiếng Việt rồi lại sai ngữ pháp tùm lum. Nếu bạn cảm thấy sắp quá tải, giảm tốc độ lại. Đừng quên rằng não bộ cũng giống như cơ bắp thôi. Nghỉ ngơi không có nghĩa là bạn đang làm biếng. Nghỉ ngơi để lấy sức vươn tới những mục tiêu lớn hơn.
9. Bạn không dám thay đổi lộ trình, cách học?
Thông thường bạn ngồi xuống và học tiếng Anh như thế nào? Bạn đọc một tờ báo, một nội dung ngày qua ngày? Hay là ngày nào cũng ngồi gạo bài cho thuộc?
Dẫu biết mỗi người, mỗi cách học khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc cũng nên làm mới lộ trình một chút. Thêm thắt chút thử thách vào để bản thân có thêm động lực cố gắng. Giống như khi bạn luyện tập chuẩn bị tham dự một cuộc chạy marathon, bạn sẽ kết hợp chạy bền và tập thể hình. Sau đó bạn còn tập chạy ở nhiều nơi khác nhau để đảm bảo giữ sức bất kể quãng đường thay đổi như thế nào. Việc học hoàn toàn có thể làm tương tự. Hãy đặt mục tiêu và thử thách cho bản thân để lấy làm động lực vượt lên chính mình!
Nhiều khi đổi mới lộ trình học cũng giúp đầu óc thư giãn hơn và học tập hiệu quả hơn do bạn đã lường trước và dần quen với mọi thử thách.